Kiến nghị xem xét hoa – cây cảnh là ngành kinh tế mũi nhọn

(HNMO) – Sáng 23-4, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh – ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Hơn 250 đại biểu thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, chủ vườn sản xuất, kinh doanh hoa – cây cảnh từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham dự.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa – cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau, quả – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nước ta có nguồn tài nguyên khí hậu đa dạng cả nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới nên có thể phát triển nhiều loại hoa – cây cảnh. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển ngành trồng hoa – cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, cả nước có khoảng 45.000ha hoa, cây cảnh được trồng tập trung chuyên canh; đạt bình quân khoảng 520 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản lượng ước tính đạt 23.400 tỷ đồng/năm. Hiện nay, nhu cầu hoa – cây cảnh trên thị trường rất lớn, phát triển hoa – cây cảnh giúp tăng thu nhập cho người dân, cải thiện môi trường sống trong lành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 8.000ha hoa cây cảnh; trong đó 70% diện tích được trồng tập trung ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng. Những năm qua, Hà Nội đã có đề án riêng về phát triển hoa, cây cảnh với những chính sách hỗ trợ cụ thể; chọn xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với điểm nhấn là Làng du lịch sinh vật cảnh xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); khuyến khích nhiều phong trào sinh vật cảnh trong xây dựng nông thôn mới như: Đường hoa nông thôn, đường bích họa; thêm hoa – bớt rác.

Tại hội thảo, các tham luận cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển ngành sản xuất, kinh doanh hoa – cây cảnh. Đó là, hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa – cây cảnh còn manh mún, tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; liên kết còn lỏng lẻo… Từ thực tiễn đó, các đại biểu đã đề xuất các nhóm giải pháp tháo gỡ như: Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học; quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, hỗ trợ cơ sở hạ tầng; kiến nghị Chính phủ coi hoa – cây cảnh là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó có chính sách hỗ trợ.

Tại hội thảo, cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo những rủi ro trong đầu tư hoa – cây cảnh, trong đó có lan đột biến và khuyến nghị người dân đề phòng, nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo phát sinh gây hoang mang dư luận, bảo vệ người sản xuất – kinh doanh và làm dịch vụ hoa – cây cảnh chân chính.

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra các hoạt động: Ra mắt Ban Vận động thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam; ký cam kết đồng hành Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với việc học tập và làm theo tinh thần Tết trồng cây; tôn vinh những nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu có nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng.